Việt Nam làm chủ kỹ thuật ghép phổi

Lần đầu tiên ở Việt Nam, một bệnh nhân ghép phổi đã xuất viện. Vào ngày 4.10. Đây là ca ghép phổi thứ 2 do các bác sĩ Việt Nam thực hiện mà không cần tới sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài. Có thể nói, Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép phổi – kỳ vọng cứu sống hàng nghìn bệnh nhân có nguy cơ tử vong vì bệnh phổi.

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức tặng hoa chúc mừng bệnh nhân và gia đình. Ảnh: T.L

Ca ghép phổi 15 giờ

Sau 1,5 tháng được ghép phổi từ người cho chết não, anh N.V.K (38 tuổi) đã bình phục sức khỏe rất tốt, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chúc mừng anh ra viện ngày 4.10.

Ngày 12.8.2019, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức công bố đã thực hiện 15 ca ghép tạng trong sáu ngày, trong đó có ca ghép phổi thứ hai tại Bệnh viện Việt Đức, hoàn toàn do các thầy thuốc của bệnh viện thực hiện. Người nhận phổi là anh N.V.K 38 tuổi, mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối. 10 năm nay, tình trạng bệnh diễn biến nặng. Gần đây, bệnh nhân liên tục nằm viện với máy thở và ôxy hỗ trợ. Bệnh nhân được dự đoán ở giai đoạn cuối của bệnh và nếu không ghép phổi, bệnh nhân sẽ phải thường xuyên dùng máy thở và có tiên lượng sống dưới 1 năm.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (35 tuổi), vợ của bệnh nhân cho biết, cả gia đình chị đã tuyệt vọng khi bác sĩ nói chỉ còn cách ghép phổi mới sống được. Thế nhưng, sự tận duyên với đời của người cho chết não đã giúp cho anh được hồi sinh một lần nữa. Khi có thông tin có người chết não hiến phổi, cả gia đình anh thấy như được từ cõi chết trở về. Cả gia đình huy động toàn bộ nguồn lực gia đình tới 1,5 tỉ đồng để thực hiện ca ghép phổi.

Ca lấy và ghép hai phổi đã diễn ra liên tục trong gần 15 giờ, từ 4 giờ chiều 12.8 tới 6 giờ 30 phút sáng ngày 13.8. Sau mổ vài ngày, anh K. tỉnh nhanh nhưng phải sau ba tuần, gia đình mới được gặp anh.

Hai lá phổi đã thích nghi trong cơ thể anh K, giúp anh trở lại cuộc sống bình thường với những ăn uống, sinh hoạt và hơi thở không còn khổ sở như trước. Anh K. là bệnh nhân ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam hồi phục sức khỏe và được xuất viện. Sau 7 tuần điều trị tích cực, anh đã được bước sang một trang khác trong cuộc đời.

Chăm sóc bệnh nhân sau ghép phổi là một kỳ tích

PGS, TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, diễn biến sau mổ của các bệnh nhân ghép tạng, tuy rất phức tạp, song khá thuận lợi. Riêng về ghép phổi, chăm sóc sau ghép là khó khăn nhất vì có rất nhiều vấn đề cần quan tâm, như: Kiểm soát nhiễm trùng phổi, chăm sóc đường hô hấp, thuốc chống thải ghép, vật lý trị liệu và nâng cao thể trạng. Sau hơn 1,5 tháng được chăm sóc tích cực, bệnh nhân ghép phổi đã hoàn toàn ổn định và có thể xuất viện.

“Chúng tôi hẹn bệnh nhân tái khám liện tục trong nhiều tháng để tiếp tục phục hồi chức năng cho phổi ghép”, ông Ước cho biết. Thành công của ca ghép hai phổi thứ hai tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức càng khẳng định rõ hơn năng lực của đội ngũ thầy thuốc bệnh viện trong lĩnh vực ghép tạng, có ý nghĩa rất lớn trong việc động viên – khích lệ đội ngũ thầy thuốc tự tin hơn, dám nghĩ dám làm.

Ông Ước cho biết, với hai ca ghép phổi thành công, với nhiều kinh nghiệm thực tiễn qua nhiều ca ghép tim và phổi, Trung tâm tin tưởng tới đây sẽ phát triển tốt hơn nữa về các kỹ thuật và sẽ đưa ghép phổi thành thường quy như ghép tim.

Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay: “Đến nay, ghép phổi vẫn là một kỹ thuật ghép tạng khó nhất do phổi không giống các tạng khác, phổi là cơ quan hô hấp đảm bảo oxy cho cơ thể. Để thực hiện ca ghép phổi đòi hỏi các bác sĩ phải lựa chọn đánh giá tình trạng phổi của người cho, người nhận rất chặt chẽ. Khi đã ghép được rồi, việc chăm sóc phổi được ghép thành phổi khỏe, đủ chức năng cũng rất khó, bởi khi được cắt ra, phổi đã bị tổn thương nên nguy cơ nhiễm trùng cao hơn các tạng khác”.

THÙY LINH

https://laodong.vn/y-te/viet-nam-lam-chu-ky-thuat-ghep-phoi-758992.ldo