HỘI CHẨN TRỰC TUYẾN TRONG MỔ CẤP CỨU BỆNH NHÂN TRÀN KHÍ MÀNG PHỔI TÁI PHÁT NGUY KỊCH

HỘI CHẨN TRỰC TUYẾN TRONG MỔ CẤP CỨU BỆNH NHÂN TRÀN KHÍ MÀNG PHỔI TÁI PHÁT NGUY KỊCH

(Cập nhật: 10/4/2020)

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hệ thống hội chẩn trực tuyến Telemedicine của ngành y tế trở thành giải pháp an toàn, nhanh chóng, góp phần nâng cao chất lượng điều trị tại chỗ trong bối cảnh cách ly toàn xã hội. Việc triển khai hội chẩn từ xa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đang ngày càng phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp các bác sĩ tuyến tỉnh kịp thời xử trí các trường hợp cấp cứu nặng, diễn biến phức tạp, người bệnh nhờ đó được cứu chữa kịp thời bằng phương án tối ưu nhất.

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã hội chẩn trực tuyến ngay trong phòng mổ với các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho trường hợp bệnh nhân Trần Văn C. (32 tuổi) trú tại xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh. Bệnh nhân trước đó 1 tháng đau tức ngực và khó thở khi đang lái xe, được chẩn đoán tràn khí màng phổi phải tự phát và mổ cấp cứu dẫn lưu màng phổi tại bệnh viện tuyến dưới. Bệnh nhân tạm ổn định ra viện sau một tuần thì bệnh lại tái phát nên được chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị. Tại đây, bệnh nhân đã được đặt dẫn lưu và tiến hành phẫu thuật nội soi khâu kén khí phổi vỡ. Tuy nhiên sau khi ra viện 3 tuần, bệnh nhân đau tức ngực trở lại, kèm khó thở tăng dần. Qua kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân C. bị tràn khí màng phổi phải, bệnh nhân được tạm thời đặt dẫn lưu màng phổi bằng máy hút áp lực âm liên tục.


Ca phẫu thuật diễn ra với sự hỗ trợ hội chẩn trực tuyến ngay tại phòng mổ của bác sĩ Bệnh viện Việt Đức

Đánh giá đây là trường hợp tràn khí màng phổi tái phát có diễn biến phức tạp, khó khăn cho việc điều trị triệt để, bác sĩ CKII Nguyễn Huy Tiến – Phó Giám đốc phụ trách khoa Ngoại đã chỉ đạo phối hợp hội chẩn cấp cứu từ xa, xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ngoại khoa lồng ngực của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức để có phương án xử trí tốt nhất cho người bệnh.

Cuộc hội chẩn trực tuyến diễn ra ngay trong phòng mổ qua hệ thống Telemedicine kết nối hai đầu cầu. Kíp hỗ trợ chuyên môn Bệnh viện Việt Đức gồm PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, TS.BS Lưu Quang Thùy – PGĐ Trung tâm Gây mê hồi sức và TS.BS Lê Việt Khánh – Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến đã hỗ trợ hướng dẫn kíp phẫu thuật Bệnh viện tỉnh với phẫu thuật viên chính là Ths.Bs Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại, Ths.Bs Vũ Xuân Kiên – Trưởng khoa Ung bướu phối hợp cùng khoa Gây mê hồi sức tiến hành mổ nội soi lồng ngực.


Các chuyên gia hội chẩn hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân tràn khí màng phổi tái phát tại đầu cầu Bệnh viện Việt Đức (Ảnh: BVVĐ)

Bệnh nhân được gây mê thông khí chọn lọc một phổi, qua hệ thống màn hình nội soi trực tuyến nhóm chuyên gia đã phối hợp cùng kíp mổ gỡ dính màng phổi và tìm ra nguyên nhân tràn khí tái phát là do nhiều kén khí rất nhỏ nằm ở thùy trên phổi phải. Để điều trị triệt để bệnh nhân được chỉ định cắt thùy phổi có kén khí qua nội soi và gây dính màng phổi để chống tái phát. Với sự hỗ trợ, tư vấn chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành phẫu thuật lồng ngực Bệnh viện Việt Đức, ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi sau một tiếng phẫu thuật. Sau mổ bệnh nhân tỉnh táo, rút ống tự thở ngay, không còn đau ngực và hai phổi nở tốt.


Phổi bệnh nhân trước và sau khi phẫu thuật phục hồi tốt.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch đã được phẫu thuật thành công nhờ sự hỗ trợ chẩn đoán và điều trị kịp thời của các chuyên gia đầu ngành tuyến trung ương thông qua các phiên hội chẩn trực tuyến từ xa. Khi tiếp nhận những ca bệnh khó, nguy kịch thay vì phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trung ương qua quãng đường dài thì với hệ thống Telemedicine, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh có thể dễ dàng kết nối với các chuyên gia đầu ngành, cùng hội chẩn đánh giá tình trạng bệnh nhân qua kết quả xét nghiệm, hình ảnh chụp X-quang, cắt lớp vi tính và có mặt trực tuyến tại phòng mổ để truyền đạt ý kiến chuyên môn, hướng dẫn xử trí tổn thương cho các phẫu thuật viên, giúp ca mổ đạt kết quả tốt nhất, từ đó đội ngũ bác sĩ bệnh viện được học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn, đồng thời tận dụng được tối đa hệ thống trang thiết bị hiện đại và nguồn nhân lực tại chỗ.

Trong thời điểm diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, công tác chỉ đạo tuyến qua hội chẩn trực tuyến càng phát huy hiệu quả rõ rệt, đảm bảo thực hiện cách ly xã hội theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ song người bệnh nguy kịch vẫn được hỗ trợ chẩn đoán, điều trị từ đội ngũ đầu ngành tại các bệnh viện lớn, qua đó mang lại sự an tâm, tin tưởng cho người bệnh không may rơi vào tình trạng nguy kịch được cấp cứu kịp thời trong khoảng “thời gian vàng”, khẳng định sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa tuyến y tế trung ương và địa phương, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương./.

Hà Trang